Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra là Coxsackie A16 và Enterovirus 71. Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa và virus phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua phân, nước bọt và mụn nước. Con đường lây nhiễm chủ yếu là do trẻ tiếp xúc với mầm bệnh có trong nước bọt, chất dịch từ các bọng nước, chất nôn của người bệnh, giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi, thông qua bàn tay rồi đưa lên miệng và nuốt phải virus.

Những dấu hiệu dễ nhầm lẫn của bệnh tay chân miệng

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng rất dễ nhầm lẫn với hiện tượng mọc răng hoặc sốt phát ban do có chung biểu hiện. Chính vì vậy cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất.

Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ và biểu hiện khác nhau:

Cấp độ 1: Trẻ sốt nhẹ từ 37,5 đến 38 độ C, bắt đầu xuất hiện những vết loét miệng, niêm mạc lưỡi, và dần xuất hiện những ban đỏ xung quanh miệng. Lòng bàn tay, lòng bàn chân có những nốt phát ban và mọng nước. Ngoài ra trẻ còn có thể ban đỏ ở chân, mông, đùi hoặc cẳng tay.

Cấp độ 2: Trẻ hay bị giật mình, sốt cao trên 39 độ và không đáp ứng thuốc hạ sốt, kèm theo triệu chứng nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc. Nặng hơn là các dấu hiệu: ngủ gà, nhịp tim nhanh, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng,…

Cấp độ 3: Là dấu hiệu trẻ có những biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng, vã mồ hôi, lạnh toàn thân. Trẻ có nhịp thở nhanh, bất thường, có cơn ngưng thở, thở bụng, thở nông, xuất hiện rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản, xuất hiện rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ.

Cấp độ 4: Tình trạng trẻ mắc tay chân miệng xuất hiện các triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngừng thở, thở nấc.

Tay chân miệng có những triệu chứng như phát ban đỏ và nổi nốt mọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân

Ngoài ra một số trường hợp trẻ bị tay chân miệng có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, tiêu chảy trong 2 – 3 ngày.

Bệnh tay chân miệng thường diễn biến trong vòng 5 ngày và bắt đầu ổn định khi các nốt ban đóng vảy và bong ra.

Nhiễm độc thần kinh – Biến chứng nguy hiểm không thể xem thường

Trẻ bị tay chân miệng ở cấp độ 1 và 2 thường tự khỏi, tuy nhiên nếu cha mẹ không phát hiện bệnh kịp thời và có hướng điều trị đúng cách thì trẻ có nguy cơ nhiễm độc thần kinh, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm não tủy…

Dấu hiệu điển hình cho thấy trẻ bị nhiễm độc thần kinh như:

  • Xuất hiện tình trạng trẻ hay bị giật mình chới với kể cả khi ngủ hoặc chơi đùa.

  • Trẻ quấy khóc nhiều và có biểu hiện thở mệt, ngủ li bì, vã mồ hôi lạnh,…

  • Trẻ sốt cao trên 38,5 độ và kéo dài hơn 48 giờ, không hạ sốt khi uống thuốc.

Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Hoài Chân: “Đây là 3 dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng. Ngoài ra, một số trẻ có thể xuất hiện tình trạng nôn ói, đứng không vững… Khi đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời”.

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách theo khuyến cáo của bác sĩ

Bệnh tay chân miệng hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chính là chăm sóc và điều trị triệu chứng. Với trẻ mắc tay chân miệng thể nhẹ có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên cần đi tái khám theo hẹn để kịp thời phát hiện biến chứng và tuân thủ cách hướng dẫn của bác sĩ.

Khi bị tay chân miệng cần giữ vệ sinh, rửa tay, khử khuẩn cho trẻ để tránh bội nhiễm

Trong đó, một số điều cha mẹ cần chú ý khi chăm sóc trẻ như:

  • Cách ly trẻ khỏi nơi đông người, tạm dừng cho trẻ đến trường

  • Sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách, đúng liều lượng khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ, bù điện giải bằng oresol,..

  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng cho trẻ. Cho ăn các loại thức ăn loãng, nguội, mát, kiêng thức ăn cay, nóng,… Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C như thịt, tôm, cá, trứng, sữa và các loại rau có màu xanh sẫm, củ quả màu vàng đỏ. Thực phẩm nhiều kẽm giúp tăng đề kháng và vết thương chóng lành.

  • Giữ vệ sinh cho trẻ đúng cách: vệ sinh răng miệng, tắm cho trẻ trong phòng kín gió bằng nước ấm, các đồ dùng sinh hoạt của trẻ phải được khử khuẩn thường xuyên,…

  • Tuyệt đối không cho trẻ cào, cấu các mụn nước trên cơ thể tránh bội nhiễm

Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng

Cha mẹ có thể chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp đơn giản như:

  • Vệ sinh môi trường sống

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm

  • Cho trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng; ăn uống hợp vệ sinh

  • Thường xuyên lau rửa khử khuẩn các đồ chơi, đồ dùng, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày

  • Không cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi; đi vệ sinh đúng chỗ,…

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận